Nội lực yếu
Theo Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam (VAMI), khi gia nhập các tổ chức thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các DN cơ khí Việt có nhiều điểm yếu hơn các DN nước ngoài. Thứ nhất, hiện đa phần các DN cơ khí vẫn là DN nhỏ, vốn ít. Thứ hai, các đối tác trong TPP đều là những nước có nền kinh tế phát triển, do đó, chuẩn mực sản phẩm cũng cao hơn. Họ đưa ra những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, tiến độ giao hàng… mà đa phần các DN cơ khí Việt Nam quen với lối tư duy làm việc cũ khó có thể đáp ứng được.
Tại Hội thảo DN cơ khí Việt Nam – hành trang trước thềm TPP mới đây, ông Đào Phan Long – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VAMI – thừa nhận, sản xuất cơ khí Việt Nam hiện tại vẫn dừng ở mức “làm gia công”, chưa đủ sức “tự chế tạo ra một số sản phẩm” có sức cạnh tranh quốc tế và đang bị thua ngay trên “sân nhà”. Chính nguyên nhân này dẫn tới hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập siêu nhiều tỷ USD cho các ngành công nghiệp và cho bản thân ngành cơ khí.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Văn Tuấn – Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) – cho rằng, khi tham gia TPP, đối với các DN cơ khí, thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội. “Thực tế việc tham gia chế tạo, xuất khẩu thiết bị cơ khí đã được triển khai từ nhiều năm trước, nhưng đơn hàng cứ mai một dần vì nhiều lý do, trong đó có tư duy của một số DN cơ khí. Những đơn hàng đầu tiên chất lượng bảo đảm, nhưng càng về sau chất lượng giảm sút, dẫn đến mất những đơn hàng lớn” – ông Tuấn cho biết thêm.
Nỗ lực vực dậy ngành cơ khí
Để vực dậy ngành cơ khí, ông Lê Văn Khương – Chủ tịch Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) – cho rằng, các DN cơ khí phải tham gia chuỗi sản xuất chung toàn cầu. Đầu tiên, DN có thể làm hàng gia công chế tạo cho nước ngoài, sau đó học hỏi, tiếp cận dần và làm chủ công nghệ. Cuối cùng phải tự mình chủ động sản xuất cung cấp cho các nhà lắp ráp và kinh doanh.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Ngọc Hà – Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) – cho rằng, để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về số lượng và chất lượng sản phẩm, DN phải nâng cao trình độ công nghệ, đầu tư dây chuyền sản xuất, đồng thời giảm giá thành sản xuất. Bản thân VEAM đã đầu tư hơn 230 tỷ đồng cho dây chuyền đúc hiện đại nhập khẩu từ Nhật Bản, giúp DN đúc các thiết bị kỹ thuật phức tạp, chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh và tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm cho các công ty trong và ngoài nước…
Ông Nguyễn Trọng Nam – Giám đốc Công ty CP Bơm Hải Dương – cho biết, để có thể xuất khẩu được máy bơm sang các thị trường trong khu vực ASEAN, Nhật Bản và châu Âu, Bơm Hải Dương đã phải mất thời gian dài để tạo được sự tin tưởng của đối tác vào chất lượng, độ ổn định trong các lô hàng cũng như uy tín trong tiến độ giao hàng. “Nhưng dần dần qua đó, DN Việt Nam đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm cũng như phương thức quản trị của họ” – ông Nam nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng, để tăng sức cạnh tranh cho ngành cơ khí trong quá trình hội nhập, nhà nước cần có một hệ thống chính sách đồng bộ và quy hoạch cụ thể nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư mạnh vào lĩnh vực cơ khí. Đồng thời, lựa chọn đầu tư xây dựng phát triển một số sản phẩm cơ khí trọng điểm đủ sức cạnh tranh quốc tế và đáp ứng nhu cầu thị trường toàn cầu…
Nguồn tin: Báo điện tử Công thương